ngày Điều dưỡng Quốc tế

Ý nghĩa của ngày Điều dưỡng Quốc tế

Điều dưỡng là một ngành nghề được xã hội tôn vinh và kính trọng. Họ là những người hy sinh thầm lặng trong công cuộc chăm sóc sức khỏe của cộng đồng. Do đó nhiều quốc gia trên thế giới đã tôn vinh ngành nghề này bằng những hoạt động kỷ niệm trong ngày Điều dưỡng Quốc tế.

1. Ngày Điều dưỡng Quốc tế là ngày nào?

Chắc hẳn có nhiều bạn trẻ khi theo học tại các trường đại học hay cao đẳng Điều dưỡng chính quy đều cảm thấy tự hào về ngành nghề mình theo đuổi. Bởi ngành Điều dưỡng là một ngành nghề luôn được kính trọng và tôn vinh trên thế giới. Vậy ngày Điều dưỡng Quốc tế là ngày nào?

Ngày Quốc tế Điều dưỡng (IND) là một ngày lễ được tổ chức trên toàn thế giới vào ngày 12 tháng 5 hằng năm với mục đích ghi nhận những đóng góp của ngành y tá cho xã hội. Ngày Điều dưỡng Quốc tế được lấy theo ngày sinh của bà Florence Nightingale, để tưởng nhớ những cống hiến to lớn của bà đối với việc hình thành và phát triển của ngành Điều dưỡng hiện đại. Đồng thời cũng sự ghi nhận, tôn vinh của xã hội về vai trò của người điều dưỡng trong chăm sóc con người, đặc biệt là chăm sóc người bệnh.

ngày điều dưỡng quốc tếÝ nghĩa của ngày Điều dưỡng Quốc tế

Tấm lòng tận tụy, hết mình, thầm lặng và yêu thương con người của bà Florence Nightingale đã trở thành biểu tượng, tôn chỉ của ngành điều dưỡng. Hình ảnh “Người phụ nữ với cây đèn” của bà Florence Nightingale cũng được lấy làm biểu tượng của ngành Điều dưỡng. Trong suốt những thời gian gắn bó với nghề Điều dưỡng, bà luôn tận tâm với nghề và chăm sóc bệnh nhân mà không quản ca trực ngày hay đêm.

Đến thời gian về nghỉ hưu nhưng hình bóng của bà Florence Nightingale vẫn còn đâu đó ở các hành lang, bà vẫn còn tất bật với công việc chăm sóc người bệnh. Và cũng chính từ đó, hình ảnh cây đèn trở thành biểu tượng của ngành Điều dưỡng. Nghi thức thắp đèn dầu và đọc lời thề của Florence Nightingale đã trở thành nghi thức chính thức của sinh viên điều dưỡng trong lễ tốt nghiệp ở nhiều trường Điều dưỡng trên thế giới.

Ngày 12/5/1965 Hội đồng Quốc tế Điều dưỡng (International Council of Nurses – ICN) đã quyết định lấy ngày 12 tháng 5 hàng năm làm Ngày Quốc tế Điều dưỡng để tôn vinh, tưởng nhớ công lao của bà và khẳng định quyết tâm tiếp tục sự nghiệp mà Bà đã xây dựng. Bà Florence Nightingale đã trở thành người mẹ tinh thần của ngành Điều dưỡng thế giới.

2. Mục đích ý nghĩa ngày Điều dưỡng Quốc tế

Hiện nay, có nhiều nước trên thế giới tổ chức ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5 hàng năm nhằm vinh danh và ghi nhận những đóng góp to lớn của người làm trong ngành Điều dưỡng đối với người bệnh, ngành y tế và xã hội. Tại nhiều quốc gia như Úc, Hoa Kỳ, Canada, Ireland… sự kiện này được tổ chức như một sự kiện kéo dài một tuần, kết thúc vào ngày 12 tháng 5 hằng năm, được gọi là Tuần Quốc tế Điều dưỡng.

Hội đồng Quốc tế Điều dưỡng đã quyết định đưa thông tin và giáo dục điều dưỡng thông qua các chủ đề được tổ chức trong dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng hằng năm. Các chủ đề được lựa chọn và truyền thông với xã hội về vai trò và sự đóng góp của người điều dưỡng đối với các vấn đề của xã hội như: sức khỏe, môi trường, xử lý các vấn đề liên quan đến nghèo đói và các vấn đề sức khỏe, xã hội khác. Các chủ đề này cũng nhằm tôn vinh các điều dưỡng, những người đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc và cứu chữa những người bệnh.

ngày Điều dưỡng Quốc tếÝ nghĩa của ngày Điều dưỡng Quốc tế

3. Những lời chúc ngày Quốc tế Điều dưỡng và ngành y tế Việt Nam

Hãy dành những lời chúc hay câu thơ để bày tỏ sự kính trọng và biết ơn những người làm Điều dưỡng cũng như các y bác sĩ trong ngành y tế đã tận tình cứu chữa và chăm sóc bệnh nhân.

Hành khúc người Điều dưỡng

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân

Nhớ lời Bác dạy ân cần sớm hôm

Xóa tan muôn vạn nỗi buồn

Niềm vui ánh mắt con đường tương lai

Bàn tay nắm lấy tay ai

Bàn tay xoa dịu hình hài đau thương!

Bệnh viện nào khác dưỡng đường

Người đi người đến vấn vương tình người

Áo trắng điều dưỡng rạng ngời

Chiếc cầu nhân ái lưu đời mai sau

Có người đã bạc mái đầu

Vẫn còn gắn bó thâm sâu với nghề

Bàn tay chăm sóc mọi bề

Để đưa người bệnh trở về an sinh!

Hành khúc điều dưỡng quang vinh

Đất nước hội nhập tự mình vươn lên

Dẫu cho sóng dập gió dồn

Chăm sóc người bệnh vững bền chuyên tay

Con đường điều dưỡng hôm nay

Rộn ràng sức sống tràn đầy niềm tin!

Thầy thuốc nhân hậu

Phần lớn người dân vẫn còn tin

Tấm lòng blouse trắng ấm tình minh

Tâm hướng trước sau như từ mẫu

Bệnh nhân đau đớn xót xa mình

Phẫu thuật, chữa trị ngành là có

Nâng cao y đức cộng đồng nghinh

Thầy thuốc tấm lòng đầy nhân hậu

Phố thị, nông thôn khỏi bệnh tình.

Lương y từ mẫu xông pha cứu người

Blouse trắng màu áo trắng tinh

Ngẫu nhiên xếp đặt sáng tình mẫu thân

Theo dõi, chăm sóc ân cần

Bệnh nhân qua khỏi khỏe dâng sức người

Thầy thuốc dân Việt muôn nơi

Trái tim nhân hậu sáng ngời lối tâm

Đội ngũ chiến sĩ tay cầm

Vũ khí tiêu diệt bệnh ngâm lây truyền

Một phần cuộc sống bình yên

Có ngành y tế gắn liền một tay

Tiếp ứng sức khỏe người dài

Cùng vượt gian khó đắng cay cuộc đời

Nghiên cứu, phát triển nào ngơi

Y tế đất nước cao vời tiến xa

Trong tâm luôn giữ đậm đà

Lương y từ mẫu xông pha cứu người.

Áo trắng ngành Y

Đã bao lần em thao thức thâu đêm

Trăn trở nghĩ suy từng căn bệnh nặng

Có đầy vơi những chiến công thầm lặng

Có ngậm ngùi đau xót nghẹn con tim.

Nhẫn nại, ân cần, đằm thắm là em

Nhẹ gót chân dõi theo từng hơi thở

Cho bình minh thêm niềm vui ấp ủ

Cho cuộc đời vơi bớt nỗi ưu tư.

Chiến công em nối tiếp suốt cuộc đời

Màu áo trắng với tấm lòng trong trắng

Vẫn âm thầm bao niềm vui thầm lặng

Bởi em – “Mẹ hiền” cao quý ngành y.

Thầm lặng ngành Y

Thầm lặng, hai tiếng ngành Y

Từ lúc vào học đến khi ra trường

Sáng bệnh viện, chiều giảng đường

Cùng những đêm trực, coi thường tuổi xuân

Thầm lặng, xin việc gian truân

Được khi lương lĩnh … muôn phần gian nan

Cuộc sống vẫn phải lo toan

“Miếng cơm manh áo” chu toàn sao đây!

Thầm lặng sống, thầm lặng xây

Ngành Y, hai tiếng từ đây gắn liền

Phải quên hai chữ “kim tiền”

Thầm lặng, vun đắp “mẹ hiền” ngành Y

Thầm lặng, trước những thị phi

Người đời “ban tặng” ngành Y mỗi ngày

Thầm lặng, chia sẻ đắng cay

Tai biến, sai sót … bị “quây” cả ngành

Thầm lặng, cả lúc rạng danh

Bao nhiêu công trạng, ngoài ngành biết chăng !

Thầm lặng, trước những khó khăn

Gồng mình, thầm lặng, mình oằn biết đâu!

Thầm lặng, trước những nỗi đau

Chăm sóc người bệnh khỏi mau, sớm lành

Thầm lặng, vun những mầm xanh

Cho cây xã hội thêm cành tốt tươi

Thầm lặng, khẽ mỉm miệng cười

Vẫn nghề cao quý, cuộc đời ngành Y…

Tổng hợp

Rate this post